Trẻ cần trải nghiệm với thiên nhiên, cuộc sống 

Trẻ cần trải nghiệm với thiên nhiên, cuộc sống
(chứ không cần tivi, Iphone, Ipad và giam lỏng trong nhà)

-Vì ngoài đường có nhiều ô tô, quá nguy hiểm nên con chỉ được chơi trong nhà
– Giữ con trong căn hộ chung cư bé xíu và ít được chơi cùng bạn bè, giao lưu với hàng xóm
– Cho trẻ xem tivi cả 2-3 tiếng, giam mình trong phòng chơi game

Mọi người đừng nghĩ mình đang viết về trẻ con ở Việt Nam. Đây là hình ảnh những đứa trẻ sống ở thành phố của nước Nhật từ 30-40 năm trước đấy. Đọc đến điều này mình phải thốt lên Trời ơi sao mà giống giai đoạn này của Việt Nam nhà tôi quá vậy trời. Chỉ khác là ở Việt Nam tôi xe máy đầy đường, trẻ có Iphone, Ipad thời thượng, nhưng công viên cho trẻ tìm mỏi mắt không thấy.

Mình xin kể với mọi người về thế hệ những đứa trẻ ở Nhật lớn lên thiếu tương tác với thiên nhiên, với bạn bè và hàng xóm như thế họ đã sẽ gặp phải vấn đề gì nhé.

1. Những đứa trẻ lớn lên thiếu trải nghiệm với thiên nhiên

Từ những năm 1980 khi làn sóng sử dụng các trò chơi công nghệ như tivi, máy tính, chơi game trở nên phổ biến, đã làm thay đổi sinh hoạt thường ngày của những đứa trẻ so với thế hệ cha mẹ họ rất nhiều. Hơn thế nữa, trẻ con ở thành phố ít có cơ hội cho cơ thể vận động, trò chuyện và tiếp xúc với mọi người xung quanh, nghĩa là trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày trẻ đã bị mất đi một môi trường học tập những kỹ năng mềm cần thiết để trưởng thành.
Những trải nghiệm như được thảnh thơi ngắm nhìn bầu trời đầy sao “nhìn thấy khoảnh khắc mặt trời mọc, mà mặt trời lặn”, “được tắm ở biển và ở sông”, “được đi bắt bướm, bắt ve, chuồn chuồn”, càng ngày càng ít đi. Một báo cáo ở Nhật năm 2005 cho kết quả là 35% trẻ em Nhật chưa từng được một lần đi bắt sâu, 43% chưa từng được ngắm bình minh và hoàng hôn.

2. Thiếu trải nghiệm trong thiên nhiên sẽ dẫn tới những hậu quả là:

Những đứa trẻ suốt thời kỳ ấu thơ chỉ tiếp xúc với công nghệ máy tính hay tivi, game mà không biết đến việc lấm lem bùn đất khi chơi ngoài trời, kết quả là khi trưởng thành và bắt đầu làm việc ngoài xã hội, họ đã gặp phải rất nhiều những khó khăn. Không chỉ kém khả năng giao tiếp với người khác, mà họ còn không biết cách thừa nhận quan điểm của người khác, luôn cho mình là trung tâm và hiếu thắng khi tranh luận. Thực tế ngày nay xã hội Nhật cũng đang phải đối mặt với vấn đề là tỉ lệ thanh niên trầm cảm không thích giao tiếp với mọi người tăng lên, và ở công ty thì rất nhiều nhân viên trẻ ngại trò chuyện và tiếp xúc với cấp trên.
Vì ít được trải nghiệm với thiên nhiên, họ không được nuôi dạy một tâm hồn biết rung động và cảm thụ cái đẹp. Giống như người Việt hay ví von là “gà công nghiệp”, rất nhiều trong số họ thiếu những kiến thức thường thức và cơ bản nhất về cuộc sống và những hiện tượng sư vật xung quanh mình.

3. Sức mạnh của thiên nhiên với sự phát triển tâm hồn và trí tuệ cho trẻ thơ

Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng những trẻ em được nhiều cơ hội trải nghiệm trong thiên nhiên sẽ “có tự tin về thể lực cá nhân”, “có nhiều môn học giỏi”, “quan tâm đến môi trường”, và “có năng lực giải quyết vấn đề cũng như trái tim giàu tính nhân văn”. Bởi vì thông qua quá trình trải nghiệm trong thiên nhiên, cùng bạn bè, trẻ cảm nhận được giá trị chủ thể của bản thân cũng như niềm vui về cuộc sống. Những hoạt động vận động sẽ giúp trí não suy nghĩ tích cực, giảm đi suy nghĩ tiêu cực. Tiếp xúc với thiên nhiên phong phú sẽ khiến trẻ biết rung động với cái đẹp, nuôi dưỡng tâm hồn nhân văn và hướng thiện hơn.

4. Cùng con trải nghiệm ngoài thiên nhiên nhiều hơn
Nhờ những nghiên cứu và tư vấn giáo dục, cũng như hỗ trợ của cả nhà nước và xã hội mà ngày nay cha mẹ Nhật đã hiểu rõ hơn, ý thức rõ hơn về tầm quan trọng về việc cho con trải nghiệm bên ngoài, chơi với bạn bè và tương tác với mọi người ở nhiều lứa tuổi. Đặc biệt họ hiểu rõ hơn tác hại của Iphone, Ipad nên hầu như không cho trẻ nghịch điện thoại khi còn nhỏ.

Những ngày cuối tuần nếu bạn đến bất kỳ công viên vui chơi nào của Nhật cũng sẽ bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ được vui đùa thỏa thích ngoài trời cùng bố mẹ hay với bạn bè. Hình ảnh những ông bố kiên nhẫn chơi cùng con, quan sát con khi con chơi, canh chừng đề phòng con bị ngã, là hình ảnh rất phổ biến ở công viên Nhật. Chính việc chơi cùng con ngày cuối tuần ở ngoài trời là cách mà phụ huynh Nhật thể hiện tình yêu với con mình.

5. Trẻ con Việt Nam ngày nay: thế hệ của những chú gà công nghiệp “được bao bọc, bị ép ăn, bị nhốt trong nhà, bị nhét cho Iphone, Ipad, nhưng KHÔNG CÓ CÔNG VIÊN ĐỂ VUI CHƠI

Mọi người có hay tự hỏi vì sao một bộ phận thế hệ 9X, 2000 thiếu kỹ năng mềm, không biết cách ứng xử với mọi người không. Mình đã gặp khá nhiều những đứa trẻ được cha mẹ bao bọc, cho ăn đủ thứ ngon nhất, mặc thứ tốt nhất, học trường xịn nhất. Duy cái chúng cần là được tự do chạy nhảy bên ngoài để giải phóng năng lượng, để học cách lớn lên thì cha mẹ không cho.
Vì ngoài đường bẩn, vì ô nhiễm, vì về quê bẩn lắm, đường xá xa xôi…Vì thiếu những trải nghiệm trong thiên nhiên, với bạn bè, hàng xóm nên chúng thiếu đi mọi kỹ năng như mình đã nói đó. Và hơn hết, trẻ con không học được cách sống chia sẻ và biết cảm thông với mọi người xung quanh mới là điều đáng buồn.

Nhiều mẹ than thở con rất nghe lời, con học rất giỏi không phải phiền lòng gì, chỉ thấy con vô tâm và không biết suy nghĩ cho người khác.
Vì trẻ con chỉ thiếu cơ hội để học được điều đó mà thôi, chứ không phải do trẻ con hư đâu. Nếu ba mẹ sẵn sàng buông tay, để con biết làm việc nhà, giúp đỡ gia đình, như một thành viên trong gia đình, tự được quyết định mọi thứ liên quan đến bản thân, được tiếp xúc với nhiều người, chơi với nhiều bạn chắc chắn trẻ sẽ học được cách biết sống và chia sẻ đó.

Thiếu thốn nhất của trẻ con Việt Nam chính là một khoảng không gian được vui chơi tự do và gẫn gũi với thiên nhiên. Các công viên của Việt Nam cũng không được thiết kế để dành cho con trẻ vui chơi.
Nhưng ngược lại trẻ con ở Việt Nam vẫn có môi trường tốt chính là mối quan hệ tình cảm gia đình, hàng xóm láng giềng tốt hơn xã hội Nhật hiện đại rất nhiều. Mình mong rằng mối tương tác ấy sẽ không bị nhạt đi theo nhịp sống hiện đại.

Khi đọc những cuốn sách của tác giả Matsuda Michio và Sasaki Masami, viết về thực trạng giáo dục của nước Nhật cách đây 40-50 năm, mình nhận thấy nó giống với Việt Nam quá. Nếu như thế hệ 7X,8X của Việt Nam được nuôi dạy không khác với thế hệ người Nhật trước chiến tranh là mấy, thì thế hệ 9X, 2000 của Việt Nam ngày nay đang đi vào rất nhiều vết xe đổ của nước Nhật sau chiến tranh, đặc biệt là sau thời kỳ kinh tế phát triển thần kỳ giúp đời sống của người dân được cải thiện đáng kể.

PS: Chơi tự do trong thiên nhiên, cùng con khám phá những nơi mà ít bị nhân tạo hoá nhất, đưa con về quê chơi để trải nghiệm những gì mẹ đã lớn lên, đó là điều mình cố gắng làm thật nhiều cùng con.
Mình tin rằng khi đi dọc đất nước Việt Nam con sẽ càng thêm yêu và gắn bó với quê hương, điều mà bây giờ con chưa cảm nhận được, nhưng khi con ở tuổi 30 con sẽ hiểu những trải nghiệm ấu thơ đã cho con tình yêu với đất nước thế nào, như cách mẹ yêu quê mình. Điều mẹ mong muốn nhất sau từng chuyến đi xa chính là để con yêu quê hương mình hơn, dù ở đâu quê hương luôn ở trong tim.

Theo dịch giả- tiến sĩ Nguyễn Thị Thu

(Tác giả: Kỷ luật mềm của trái tim)

Bình luận
Mục tiêu

Nhìn nhận con người toàn diện

Ý chí – Tình cảm – Suy nghĩ

Làm điều đúng vào thời điểm đúng

Tự do trong dạy và học

Giữ gìn bản sắc, văn hoá dân tộc

Đồng hành cùng phụ huynh

DMCA.com Protection Status