Bác sĩ khuyến cáo rằng việc cho trẻ uống thuốc sai cách có thể kéo dài bệnh tình của trẻ, gây ra phản ứng phụ hoặc thậm chí phá hoại cả tác dụng điều trị của thuốc. Bố mẹ xem thử mình có mắc lỗi nào sau đây không để kịp thời sửa chữa nhé:
1. Không sử dụng các dụng cụ đo lường chính xác
Cheston Berlin, chủ tịch Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ về thuốc và cũng là bác sĩ nhi khoa tại Trung tâm Y tế Hershey ở Hershey, Pennsylvania, Hoa Kỳ chia sẻ “Vài tháng trước, tôi bắt đầu cho một bệnh nhân sử dụng cốc đo tiêu chuẩn. Mẹ của em bé đề nghị tôi cho sử dụng muỗng cà phê dùng trong nhà bếp để thay thế, vì đó là cách cô ấy cho con gái uống thuốc ở nhà.” Bác sĩ này khẳng định không nên sử dụng thìa nhà bếp hoặc dụng cụ nấu ăn để dùng khi uống thuốc, bởi vì những đồ dùng này không cung cấp các phép đo chính xác, khiến một đứa trẻ có thể nhận được quá ít hoặc quá nhiều thuốc. Bất cứ khi nào bạn cho con uống thuốc lỏng, hãy chắc chắn sử dụng thìa, cốc hoặc ống tiêm được đánh dấu đo lường chính xác.
2. Đoán cân nặng của con
Joseph Greensher – giáo sư, bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Đại học Winthrop ở Mineola, New York cho biết, liều dùng cho hầu hết các loại thuốc dành cho trẻ em không cần kê toa đều dựa trên cân nặng của trẻ em chứ không phải tuổi của bé. Hai muỗng cà phê thuốc giảm đau acetaminophen sẽ giúp hạ sốt cho một đứa trẻ nặng 55 lbs (khoảng 25 kg) trong vòng một giờ, nhưng sẽ mất ba muỗng cà phê để nhiệt kế “nhúc nhích” nếu bé nặng 75 lbs. Bố mẹ phải luôn luôn lưu ý cân nặng mới của con trong mỗi lần khám bác sĩ, bác sĩ Greensher khuyên. Và bởi vì không phải tất cả các loại thuốc dành cho trẻ em không kê đơn đều liệt kê thông tin về liều lượng theo cân nặng, hãy kiểm tra kỹ với dược sĩ hoặc bác sĩ của bạn.
3. Quên kiểm tra liều lượng cho các loại thuốc mới
Có trường hợp bố mẹ đã quen cho con dùng các loại thuốc với liều lượng là một muỗng cà phê, nên khi có một loại thuốc mới cũng cho uống tương tự, nhưng nó có thể là quá nhiều hoặc quá ít so với lượng cần thiết. Trong trường hợp này, lượng thuốc bổ sung có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng như tiêu chảy. Với những loại thuốc giảm đau, một vài liều bổ sung trong vài tuần có thể dẫn đến tổn thương gan hoặc thận. Bố mẹ hãy kiểm tra thông tin hướng dẫn trên bao bì thuốc cẩn thận trước khi cho bé uống nhé.
4. Cho uống thuốc quá liều để tăng tốc độ hồi phục
Có một số loại thuốc có thể cho uống thêm liều không có vấn đề gì, nhưng cũng có loại thuốc gây ra những phản ứng cực kỳ nguy hiểm cho trẻ, điển hình dấu hiệu là khi trẻ nôn sau khoảng 1 giờ uống thuốc.
Hơn nữa, còn có một số phụ huynh nghĩ rằng nếu thuốc chưa có tác dụng ngay sau khi uống thì nên cho bé uống thêm liều nữa. Có rất nhiều loại thuốc, bao gồm cả thuốc kháng sinh, cần mất 3 đến 4 ngày trước khi con bạn có thể cảm thấy khá hơn, theo Tiến sĩ – Bác sĩ nhi khoa Laura Prager, tại thành phố Redwood, California, Mỹ. Thêm một muỗng cà phê thuốc cũng chẳng giúp cho quá trình hồi phục của bé nhanh hơn, thậm chí còn gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
5. Không uống hết chai thuốc
Khi con bạn đã cảm thấy khá hơn, nhưng bạn vẫn còn nửa chai thuốc kháng sinh chưa dùng hết? Rồi bạn bỗng nghĩ, tại sao phải phí tiền mua thêm trong khi bạn có thể dùng lại nó trong một vài tháng sau? Nhưng, theo Tiến sĩ Prager, hầu hết những đơn thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh, một khi đã được kê thì phải sử dụng đầy đủ. Nếu bạn không cho con uống đủ liều, bệnh con có thể tái phát.
Nếu bác sĩ chuyển từ một loại kháng sinh lỏng được làm lạnh sang một nửa khác cho con bạn, đừng trữ loại đầu tiên để sử dụng trong tương lai; kháng sinh trong tủ lạnh có xu hướng mất hiệu lực sau hai tuần. Bạn có thể giữ lại những vĩ thuốc hoặc viên nang không sử dụng, nhưng đừng đưa chúng cho con bạn trừ khi bạn có sự chấp thuận của bác sĩ, bác sĩ Prager nói.
6. Sử dụng thuốc cũ hay đã hết hạn
Bác sĩ Jerome Paulson, phó giáo sư lĩnh vực khoa học chăm sóc sức khỏe và khoa nhi tại trường Y thuộc Đại học George Washington ở Washington DC nói rằng: “Gần đây tôi đã kiểm tra một đứa trẻ, cha mẹ của bé bắt đầu sử dụng kháng sinh còn sót lại của em gái mình vì họ nghĩ rằng bé có thể bị tái phát viêm họng”. “Vào thời điểm tôi gặp bé trai 3 ngày sau đó, tôi đã không tìm ra cách nào để chẩn đoán chính xác hoặc vì loại thuốc đó đã tiêu diệt hết nhiễm trùng hoặc nó ngay từ đầu là chẳng cần thiết.”
Cho trẻ uống thuốc kháng sinh không cần thiết cũng có thể gia tăng khả năng vi khuẩn sẽ phát triển kháng lại thuốc. Trong trường hợp đó, thuốc có thể không có hiệu quả khi trẻ cần nữa.
Bạn cũng nên đảm bảo chú ý đến ngày hết hạn của thuốc, đặc biệt là với các loại thuốc mà con bạn chỉ dùng một lần trong một thời gian. Bác sĩ Marilyn Bull , giám đốc khoa nhi lĩnh vực phát triển tại Bệnh viện Trẻ em Riley ở Indianapolis nhớ lại: “Vấn đề là thuốc có thời hạn sử dụng chỉ 30 ngày và người mẹ đã không nhớ phải kê đơn thuốc lại.”
7. Quên phổ biến với người chăm sóc trẻ
Đảm bảo rằng những người chăm sóc con bạn như bảo mẫu, họ hàng, cô giáo mẫu giáo của con biết cho con uống thuốc khi nào và như thế nào.
8. Không hỏi ý kiến hay gọi bác sĩ khi bạn mắc lỗi
Một phụ huynh cuống cuồng gọi cho bác sĩ Greensher vào giữa đêm vì trong bóng tối cô đã lấy nhầm siro ho của người lớn đưa cho đứa con 7 tuổi của mình thay vì thuốc kháng sinh. “Điều này cũng có thể xảy ra vào ban ngày”, Tiến sĩ Greensher nói, “đặc biệt là nếu một phụ huynh bận rộn đang vội vàng.” Để đảm bảo an toàn, hãy gọi bác sĩ nếu xảy ra lỗi như vậy.
9. Tự cho rằng thuốc có hiệu quả
“Cha mẹ không nên tự cho rằng thuốc có hiệu quả hay không.” – Tiến sĩ Greensher nói. “Hãy hỏi bác sĩ khi con bạn có những dấu hiệu hồi phục cũng như những tác dụng phụ tiềm tàng.” Nếu bạn nghi ngờ điều gì đấy, cũng đừng ngần ngại gọi bác sĩ bởi họ có thể đưa cho con bạn một loại thuốc khác.
?? LỜI KHUYÊN KHÁC TỪ CHUYÊN GIA
Thật hấp dẫn khi cho thuốc vào đồ ăn hay thức uống để trông nó “ngon miệng” hơn đúng không? “Nhưng điều này có thể ngăn khả năng trẻ hấp thụ thuốc”, theo bác sĩ Howard Mofenson, đồng thời là dược sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Đại học Winthrop tại Mineola, New York. Một số lưu ý khác:
? Hầu hết thuốc kháng sinh cần được uống trước hoặc sau 1 giờ của bữa ăn.
? Những loại thuốc có thể dùng trong bữa ăn bao gồm thuốc sulfa, thường được kê đơn cho nhiễm trùng tai, và các loại erythromycin và amoxicillin mới.
? Tốt nhất là cho thuốc bằng nước. Đồ uống có ga có thể ức chế sự hấp thụ, sữa cũng có thể như vậy khi dùng với tetracycline, thuốc fluoride và thuốc điều trị bệnh tim cho trẻ em. Các bác sĩ nói rằng đổ một ít siro socola vào một liều thuốc lỏng vẫn chấp nhận được.
? Không uống thuốc với thực phẩm bao gồm nước trái cây, mặc dù chỉ là một nửa ounce hoặc ít hơn thường sẽ không làm giảm tác dụng của thuốc.
? Nếu một loại thuốc có thể được trộn với thực phẩm, hãy chỉ sử dụng vừa đủ để che dấu mùi vị – một muỗng cà phê táo, sữa chua, hoặc kem là được rồi. Nếu cho một lượng quá lớn, trẻ có thể không uống hết thuốc và như thế là uống không đủ liều.
Nguồn: Raised Happy