Bà Fonnie Lo, trợ lý giám đốc và cố vấn về nuôi con bằng sữa mẹ tại trung tâm Thomson ParentCraft Center (Singapore) sẽ chỉ ra những điểm mẹ cần lưu ý trong tuần đầu sau sinh.
1. Cách bế bé sao cho đúng
Theo bà Lo, sau khi sinh bé và trở về nhà, các mẹ thường có tâm lý căng thẳng và bế bé chưa đúng cách, luôn trong tâm trạng bế nhưng sợ làm rơi bé. Chính vì thế, em bé sẽ cảm thấy khó chịu và không thoải mái. Điều quan trọng nhất mẹ phải lưu ý là bế cẩn thận, đặc biệt là vùng cổ của em bé. Mẹ vòng tay hình chữ C để đỡ dưới cổ bé, 1 tay còn lại đỡ mông. Chú ý để mặt bé thông thoáng, không có vật cản trở đường thở của bé. Mẹ nhớ không nên sợ hãi khi bế con, vì con cũng cảm nhận được nếu mẹ đang sợ, hãy tự tin và bế bé một cách an toàn, dễ chịu nhất.
2. Có bé ngủ ngoan, nhưng có bé lại khó ngủ
Bà Lo cho hay nhìn chung, trẻ sơ sinh có thể ngủ tới 16 tiếng mỗi ngày. Khi bé 3 tháng tuổi, số giờ ngủ giảm xuống còn 14 tiếng, và 12 tháng bé có thể chỉ ngủ 12 tiếng. Một số em bé không thể ngủ ngoan vì những lý do chẳng hạn như bị đầy hơi, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, quần áo của bé không thoải mái. Thông thường ban đêm bé sẽ chưa thể ngủ ngon giấc ngay vì đồng hồ sinh học của bé chưa hoạt động tốt. Vì vậy, mẹ không cần quá lo lắng và sốt ruột nếu bé ngủ chưa ngon.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ sơ sinh ngủ sâu giấc và lâu hơn khi ở cùng phòng với bố mẹ. Mẹ cũng được nghỉ ngơi nhiều hơn, đặc biệt nếu cho con bú hoàn toàn thì mẹ không cần phải đi sang phòng bên cạnh để đón con. Về mặt tình cảm, mẹ và em bé sẽ gắn kết tốt, tạo tiền đề cho mối quan hệ phát triển gắn bó sau này. Tuy nhiên mẹ nhớ không để bé ngủ cùng giường với người lớn, vì điều này làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử SID ở trẻ sơ sinh.
Mẹ hãy đặt cũi ngay cạnh giường của mình để dễ dàng tiếp cận bé. Cũi cần che chắn bằng vật liệu cotton thoáng khí, trong cũi không có bất cứ vật dụng gì có thể che mặt bé gây ngạt thở hoặc làm bé bị tổn thương trong khi ngủ. Trước khi đi ngủ, mẹ có thể mát xa, cho bé ăn và quấn bé để bé dễ ngủ hơn.
3. Vậy còn mẹ thì sao, làm thế nào để ngủ được?
Thời gian đầu chăm bé, nhiều mẹ sẽ rất mệt mỏi và thiếu ngủ. Chuyên gia khuyên mẹ nên tắm bằng nước ấm 3 ngày sau khi sinh, gội đầu và sấy khô tóc, mặc quần áo thoải mái. Không nên ăn quá nhiều, thực đơn cần có rau củ và trái cây để tránh bị táo bón. Không nên quá lo lắng, giữ tâm trạng ổn định để có thể ngủ ngon hơn và đủ sức khỏe chăm bé.
4. Chú ý vệ sinh, không để bé bị hăm tã
Khi cho bé dùng tã, mẹ cần đảm bảo vệ sinh để bé không bị nhiễm trùng, hăm tã. Khi lau rửa cho bé, nên nhớ lau từ trước ra sau, không được nâng chân bé lên quá cao, nếu không bé có thể bị thương ở lưng hoặc nôn trớ nếu bé vừa uống sữa. Dùng khăn hoặc bông sạch để vệ sinh cho bé. Không để da bé ngấm tã ướt quá lâu, tránh nguy cơ bị hăm da.
5. Không vội vàng cắt móng tay của bé
Mẹ hãy đợi đến khi bé được ít nhất 3-4 tuần tuổi hoặc khi móng tay chân của bé cứng hơn thì cắt cho bé. Còn trước đó, bé đeo bao tay và chưa cần cắt móng tay. Sau đó tháo bỏ bao tay thì lúc này mẹ có thể cắt móng cho bé để bé được thực hành bằng tay và ngón tay của mình.
6. Lưu ý dấu hiệu bé bú chưa đủ
Nếu bé ăn sữa công thức thì mẹ chú ý xem gia đình có tiền sử bị dị ứng gì hay không, chuẩn bị loại bình và chọn sữa phù hợp cho bé. Nếu nuôi bé hoàn toàn bằng sữa mẹ thì cần chú ý lượng sữa chảy về, tránh làm bé sặc. Chú ý vỗ ợ hơi cho bé. Mẹ có thể kiểm tra xem bé bú đủ hay không bằng cách theo dõi tã của bé ướt nhiều hay ít, số lần bé đi tiểu. Trẻ sơ sinh từ 4 ngày trở lên sẽ đi tiểu 6-9 lần mỗi ngày. Nếu da và môi bé khô tức là bé đang bú không đủ.
7. Sữa mẹ có thể chưa về kịp
Trong những ngày đầu sau sinh, nguồn sữa mẹ có thể chưa dồi dào và đáp ứng đủ cho nhu cầu của bé. Ngoài ra, mẹ còn có thể phải đối mặt với các vấn đề bao gồm tắc tia sữa, nứt núm vú. Khi cho bé bú cần để ý xem sữa có vơi đi hay không, bé nuốt sữa có tiếng ừng ực ở cổ không.
8. Cách tắm cho bé
Tắm giúp bé thư giãn và loại bỏ bụi bẩn trên cơ thể. Tắm cũng giúp mẹ với bé liên kết tốt hơn. Khi pha nước tắm, mẹ cần kiểm tra nhiệt độ nước, phù hợp nhất là 37,5 độ C giống như nhiệt độ cơ thể mà bé đã ở trong bụng mẹ suốt hơn 9 tháng qua. Lượng nước cũng cần vừa đủ bao trùm đến phần cổ của bé. Không cần chà xát bé quá mạnh, có thể đặt thêm 1 chiếc khăn lên bụng bé để bé cảm thấy an toàn khi ở dưới nước.
9. Khóc là cách giao tiếp duy nhất của bé
Tiếng khóc chính là phương tiện duy nhất để bé giao tiếp và truyền đạt mong muốn tới mẹ. Bé khóc 3 tiếng mỗi ngày cũng không có gì quá bất ngờ. Mẹ có thể sẽ hơi lo lắng và sợ hãi vì bé khóc nhiều. Hãy vỗ về, xoa dịu bé để bé an tâm hơn. Ví dụ khi đói, tiếng khóc của bé rất to, lặp đi lặp lại, và ngày càng to hơn, thậm chí bé sẽ gào thét, gắt gỏng. Sau khi ăn xong bé khóc to, dữ dội nghĩa là bé đang cố gắng cho mẹ biết bé cần được ợ hơi. Khi bé khóc ê a, ngắt quãng, khóc rồi lại nín, mẹ dỗ thì bé sẽ nín nhưng sau đó lại khóc tức là là con đang buồn ngủ rồi.
10. Mẹ cẩn trọng với chứng trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh luôn là một tình trạng tiềm ẩn có thể xảy đến với người mẹ. Nguyên nhân có rất nhiều, tựu chung từ sự buồn chán, thất vọng và mệt mỏi trước và sau khi sinh con. Mẹ cần lưu ý giữ gìn sức khỏe, ăn uống đầy đủ, khoa học để có thể chăm con tốt hơn. Mẹ cũng nên nhờ sự giúp đỡ của người thân trong gia đình để có thêm thời gian nghỉ ngơi, tránh căng thằng quá mức.
Nguồn: Parent