1. Về rau củ quả
Câu hỏi: Phân bố rau củ quả như thế nào?
Trả lời: Trẻ dưới 2 tuổi: Là giai đoạn trẻ làm quen mùi vị và đa dạng rau củ. Đừng quan tâm nhiều bao nhiêu, mà bạn nên giới thiệu đa dạng nhiều loại, bắt đầu từng loại 1 trước, sau đó kết hợp 2-3 loại, trong đó có 1 loại mới để trẻ quen dần.
Trẻ từ 3 tuổi: Hãy duy trì 2 phần quả – 3 phần rau củ/ ngày là được khuyên. Độ tuổi này nên chú ý sáng tạo cách cho trẻ ăn là quan trọng và gây nhiều hứng thú cho trẻ. VD, thay vì cầm ăn, có thể xiêng que hoặc làm đá bào/kem với trái cây.
2. Chơi với con hay để con tự chơi?
Câu hỏi: Con tôi 1.5 tuổi, đã đi lớp được 3 tháng. Sau khi đón con về tôi thường để con tự chơi trong lúc nấu cơm, dọn dẹp và rất nhiều việc khác. Tôi tự hỏi nên để bé chơi một mình bao lâu/ ngày là tốt nhất? Tôi định thuê giúp việc theo giờ để có thể chơi với con sau khi làm về nhưng chồng tôi cho rằng con tự chơi cũng là một kĩ năng cần thiết?
Trả lời: Lời khuyên dành cho cha mẹ bận rộn là dành ít nhất 30 phút/ngày để chơi và trò chuyện với trẻ. Có 2 lí do được khoa học chứng minh là khả năng phát triển tư duy và ngôn ngữ thông qua hoạt động vui chơi cùng cha mẹ, bao gồm cả hoạt động đọc sách cho trẻ mỗi ngày. Trẻ có thể tự chơi, nhưng tư duy cái mới và sáng tạo vẫn cần 1 yếu tố là tương tác cùng cha mẹ. Nếu gia đình có 2 bé trên nhau 1-2 tuổi thì từ 3 tuổi 2 bé có thể tự chơi với nhau, nhưng vẫn cần ba mẹ tương tác ít nhất 20 phút mỗi ngày.
3. Câu hỏi về phương pháp ăn dặm
Câu hỏi: Liệu có nên kết hợp đút muỗng với phương pháp để bé tự ăn (phương pháp ăn dặm tự chỉ huy BLW)?
Trả lời: Nếu bạn lựa chọn sự kết hợp, câu trả lời là được. Tuy nhiên, bạn nên đợi bé làm quen với đút muỗng và ngồi vững trên ghế ăn thì giới thiệu thêm tự cầm ăn trong BLW (khoảng tầm 8 tháng tuổi là trẻ có thể kết hợp thêm BLW).
4. Câu hỏi về ngồi ghế ăn dặm
Câu hỏi: Lúc trước trẻ thích ngồi ghế ăn dặm và ăn ngoan. Trong 2 tuần qua, trẻ không chịu ngồi ghế nữa. Có nên ép trẻ ngồi ghế không ?
Trả lời: ngồi ghế ăn dặm thường chỉ có công dụng giúp bé hiểu rạch ròi giữa việc ăn và việc chơi ở độ tuổi sớm (<2 tuổi). Qua độ tuổi này, trẻ bắt đầu di động hơn và dễ bị xao nhãng bên ngoài, nên quản lý trên ghế là không dễ. Thường thì cha mẹ được khuyên là nên thỏa thuận với bé 1 địa điểm ngồi ăn, hãy tạo 1 cảm giác thực sự quan tâm của bạn về địa điểm này mỗi khi đến giờ ăn của trẻ. VD, cách trang trí, dọn bàn và thường xuyên nói về nó, cùng trẻ trang trí thêm như thế nào. Cũng không nên chọn khu vực quá phức tạp, tránh nơi có TV mở là được, đơn giản chọn 1 nơi bé thích ngồi ở đó để ăn, thái độ của bạn là ủng hộ sự lựa chọn của trẻ. Khi trẻ qua 4 tuổi, là lúc trẻ cần được dạy ngồi vào bàn ăn chung với gia đình, độ tuổi này đủ nhận thức vai trò của bữa ăn. Chỉ trẻ cách ngồi, cách múc lấy đồ ăn,… Trẻ con tuổi này thích tự lập, tự lấy ăn, tự ăn. Khi bạn cho trẻ quyền này thì không gian bữa ăn sẽ hứng thú hơn là tác nhân bên ngoài, trẻ dễ chịu ngồi ăn hơn.
5. Những lời khuyên nào dành cho cha mẹ nuôi con lần đầu?
Nhiều cha mẹ hỏi câu này trong nhiều hội thảo. Đây là một số điều mà tôi nghĩ cha mẹ nên tìm hiểu:
+ Nuôi trẻ nhỏ không có nghĩa là nuôi “một người lớn thu nhỏ về kích thước”. Nhiều cha mẹ nghĩ con phải ăn cái này cho tốt, cho lành mạnh, phải ăn bao nhiêu đây, phải biết vâng lời chứ… Đó là lúc bạn đang xem trẻ là “1 người lớn thu nhỏ”. Trẻ có suy nghĩ riêng và mọi điều cần phải được làm gương, dạy dỗ và học hỏi. Nếu hiểu được điều này, việc làm cha mẹ rất đơn giản. Thay vì bạn ép trẻ ăn món gì, bạn hãy đối xử trẻ như 1 cá thể, giới thiệu từng món, hiểu nhu cầu và dấu hiệu no của trẻ.
+Tránh hoặc bỏ ngoài tai những so sánh hay dèm pha về cân nặng, chiều cao hoặc mập ốm…ở trẻ, mà làm bạn lâm vào lo lắng. Lý do là mỗi đứa trẻ (trừ các bé sinh đôi cùng trứng) là khác nhau về bộ gen. Một vi dụ trên trang thông tin của ĐH Harvard, Mỹ về case study thú vị về khác biệt bộ gen của 3 nhà khoa học nổi tiếng ở những thời đại và châu lục khác nhau là GS. James Watson, GS. Craig Venter và TS. Kim Seong-jin (Hình đính kèm), mặt dù họ có những điểm giao thoa, nhưng phần lớn là khác biệt và không thể so sánh. Với trẻ sinh đôi cùng trứng mặc dù có bộ gen giống nhau, nhưng môi trường (VD cách giáo dục) cũng góp phần vào sự khác biệt giữa họ. Do đó, mỗi cá nhân là hoàn toàn khác biệt và nên được đối xử một cách chuyên biệt. Tại sao lại phải so sánh khi bước so sánh là khập khiễng!
+Đừng để áp lực vây lấy bạn. Ngày nay, một căn bệnh vô hình nhưng đáng sợ không kém ung thư hay tim mạch. Đó là trầm cảm do áp lực gia tăng. Hầu như chúng ta không ý thức về trầm cảm, mà chỉ nghĩ là mình buồn, mình chán, mình mệt mỏi. Mà thật ra bạn không thể định nghĩa chính xác được nó, nhưng nó có thể làm bạn đi đến những chuỗi quyết định sai lầm, rồi tự giết bản thân bạn. Những người mẹ được cho là đối tương có nguy cơ lớn, không chỉ nguy hiểm cho bản thân mà con cái họ. Trầm cảm có thể bắt nguồn từ gia tăng áp lực, từ bực bội và từ cảm giác bị bỏ rơi không ai chia sẻ. Tất cả những điều này đều do não bộ bạn tạo ra khi nó vượt ngưỡng chịu đựng. Nó không có thực, không ai bỏ rơi bạn, đứa trẻ vẫn đang gọi bạn cho bú đó thôi. Người rơi vào trầm cảm thường dễ mất suy nghĩ vì họ đang tưởng tượng, dễ mất đánh giá vì họ đang cho là đúng. Một người không thể suy nghĩ và đánh giá giống như 1 người đi loạng choạng trên vách tường thì chỉ còn chờ đúng “1 cái đẩy” là ngã. Do đó, ai nói gì thêm, việc gì xảy ra thêm, họ gặp 1 ai đó cũng là 1 cái đẩy chết người.
Vậy bạn phải làm sao?
Khi có áp lực, hãy bỏ xuống, hãy ích kỷ với người khác mà lo cho mình. Bạn không thể nắm thêm được nếu bạn đã mệt mỏi hay cứ giữ khư khư 1 cái gì. Tìm cái gì mình thích hãy làm, tìm 1 ai đó chỉ ngồi lắng nghe và kể cho họ nghe.
Nếu cảm thấy mình luôn khó suy nghĩ, luôn bực bội hãy chạy bộ. Chạy liên tục 2 vòng, rồi hãy đi bộ. Liệu pháp vận động giúp não bộ bạn bớt suy nghĩ phi thực tế.
Đừng tìm đến rượu. Rượu chỉ làm não bộ bạn rơi sâu vào thế giới không thực.
Khi mệt mỏi với công việc, hãy về với gia đình mình (cha mẹ, chồng con), họ là liều thuốc giúp bạn quay lại thể giới thực.
Khi bạn nghĩ bạn đang trầm cảm thì hãy kể cho chồng mình nghe. Khi đó, người chồng hãy sáng suốt dẫn vợ đến chuyên gia tâm lý lâm sàng. Trầm cảm không nên cố chịu đựng, đặc biệt là 1 mình. Như đã nói, nó có thể dẫn bạn đi dần vào thế giới ảo –nơi không còn lối quay về nếu không có 1 cái nắm tay ai kéo lại, có thể là 1 bác sĩ tâm lý, 1 người thân…, nhưng không thể là chính bạn được.
Nguồn: Bs dinh dưỡng Anh Nguyễn
Note:
Vivian C. How Science and Genetics are Reshaping the Race Debate of the 21st Century. Harvard University (Accessed 17 July 2019)
Poulsen P., Esteller M., Vaag A., Fraga M.F. (2007) The Epigenetic Basis of Twin Discordance in Age-Related Diseases. Pediatric Research, 61: 38R-42R