CHUYỆN CHÀO HỎI

Vừa gặp nhau, người lớn ngay lập tức xổ một tràng:
– Chào cô (chú) chưa? Chào đi, sao không chào? Ạ đi, ạ ạ ạ… Con tên gì? Con mấy tuổi? Hôm nay sao không đi học???….
– …… (im lặng, mắt lấm lét)
– Trời, sao nó nhát quá vậy? Trời, nhỏ này hư quá, gặp người lớn ko chào… blah blah….

Ủa ủa, gì vậy, cô (chú) là ai, con có quen biết không, cô chú tên gì, cô chú ở đâu ra, cô chú quan hệ với ba mẹ con và con như thế nào, sao cô chú không chủ động giới thiệu trước mà tự dưng mới gặp cái dồn dập tra khảo khiến đứa nhỏ nó sợ chết khiếp lên được rồi cái kêu nó nhát nó hư???

Con nít sợ người lạ (và kể cả người quen nhưng ít gặp) là chuyện hết sức bình thường, và mình thấy là cực tốt, chứ không lẽ bạn thích con bạn ai cũng theo, hổng phân biệt lạ quen, xấu tốt rồi tới hồi người lạ dụ hốt đi cũng không chống cự?? Người lớn thì lại hay áp đặt rất vô lý rằng “mình là bạn của ba mẹ nó thì đương nhiên nó phải biết mình là ai nên nó phải chào”, “mình là cô dì chú bác (8 tỉ năm mới gặp 1 lần) của nó nên đương nhiên nó phải biết mà chào”, hoặc kinh dị hơn “Mình là người lớn và nó là trẻ con, trẻ con đương nhiên phải chào người lớn (mà không có vế ngược lại)”. Trẻ con cũng là con người, và trẻ con học từ người lớn, người lớn không làm gương sao bắt trẻ con tự hiểu mà làm được???

Mỗi khi gặp các bé, dù quen hay lạ, mình thường chủ động chào các bạn trước, đứng cách các bạn 1 khoảng an toàn nhất định rồi tự giới thiệu “cô là cô Hương, còn con tên là gì?”. Nếu bạn nhỏ không đáp ứng, không chào lại hoặc sợ hãi thì mình cũng dừng lại ngay, quay sang nói chuyện với ba mẹ bạn, bởi thường thì các bạn nhỏ cần có thời gian để suy nghĩ, để làm quen, để quan sát, nên chúng ta phải dừng lại 1 chút chờ các bạn. Một lúc sau khi thấy các bạn có vẻ quen hơn chút xíu (thường sau 5-10-15p) thì mình lại chào và hỏi lại bạn (một vài) lần nữa, có thể tiến lại gần hơn, chạm nhẹ vô chân hoặc tay (và cười trìu mến làm thân hihi ) xem phản ứng của bạn rồi mới tiếp tục tiến tới làm quen sâu hơn. Với các bạn chưa biết nói, mình có thể chào hỏi bằng cách đề nghị vỗ tay hi-5, hoặc vẫy vẫy tay, hôn gió…

Còn đối với Nhím, khi đi với con tới gặp ai (hoặc ai tới nhà mình), mình luôn báo trước với con để con chuẩn bị tâm lý: “Giờ mình sẽ đi uống cafe với mít Hằng ha Nhím (vậy là con biết tới gặp ai tên gì), mít Hằng hôm bữa đọc truyện 3 con dê cho con nghe á (vậy là con biết có liên quan gì tới mình và ba mẹ, đã gặp hay chưa gặp..), lát tới gặp mít Hằng con nhớ chào mít hen”. Và khi tới nơi gặp mình chủ động chào trước, sau đó nhắc lại với bé 1 lần nữa các thông tin mình đã nói. Lúc này, bé có thể chào hoặc không chào nhưng mình không ép, bởi đối với mình việc làm quen với nhau, tiếp xúc với nhau trong suốt buổi hẹn quan trọng hơn 1 LỜI CHÀO BỊ ÉP BUỘC rất nhiều. Và lời chào nên bắt nguồn từ sự tự nguyện, từ sự chủ động, từ tình cảm và sự tôn trọng lẫn nhau, mà mình tin rằng lần 1, lần 2, lần 3 gặp gỡ bé chưa chủ động chào thì tới lần 4, lần 5, ..lần n nào đó bé sẽ chào, nếu bé cảm thấy bé đã sẵn sàng và đủ quen biết bạn ^^.

Khi ra về, mình cũng nhắc bé chào tạm biệt 1 lần (bé có thể chào hoặc không giống như lúc tới). Trên đường về mình thường nói chuyện với bé về buổi hẹn (dù là của ba mẹ), về người mà mình hẹn gặp, kiểu như “hôm nay mình đi cafe với cô Trang vui quá ha, mẹ thấy cô Trang rất xinh đẹp và dễ thương, cô còn kêu nước dâu cho con uống nữa này… bữa sau mình đi gặp cô nữa ha, lần sau gặp con nhớ chào Cô Trang thật to hen”. Mình áp dụng như vậy từ lúc Nhím còn sơ sinh, mình luôn nói chuyện đầy đủ thông tin với con trước mọi chuyện, luôn đặt tên cảm xúc, cảm giác theo sau sự kiện đó, và tới bây giờ vẫn vậy. Giờ bạn ý 4 tuổi, đi đâu mình không bao giờ cần nhắc, bạn chủ động tới chào mọi người, chủ động bày tỏ cảm xúc trong buổi “hẹn hò” nếu bạn cảm thấy thích “đối tác” (kiểu như “mít Hằng ơi, chơi với mít Hằng con thấy vui quá à”), ra về dọc đường bạn và mình cùng nhau “ôn” lại buổi gặp, mình thường gợi ý để bạn nói lên là bạn cảm thấy thế nào, bạn có muốn gặp người đó nữa không, bạn nên làm gì để mình và mọi người đều thấy vui vẻ, cô chú – ba mẹ và bạn đã làm gì và quên làm gì…. lần sau gặp thì chúng ta rút kinh nghiệm như thế nào ^^.

Mỗi đứa trẻ là tấm gương phản chiếu chính xác những gì chúng ta làm hàng ngày, bởi vậy, đừng đòi hỏi các con phải ngoan ngoãn lễ phép, phải biết trình bày cảm xúc, phải tự giác vân vân vi vi trong khi bản thân chúng ta không như vậy và không chỉ cho con phải làm như vậy. Trẻ em sinh ra không tự học được đối nhân xử thế và cũng không có trách nhiệm phải tự biết đối nhân xử thế. Hãy chỉ dẫn cho con, dừng khiển trách và chỉ trích, hãy yêu thương và tôn trọng con trẻ để con trẻ biết cách yêu thương và tôn trọng chúng ta. ^^

Thương mến….

Nguồn: BubuHuong (Thanh Huong Ng)

Bình luận
Mục tiêu

Nhìn nhận con người toàn diện

Ý chí – Tình cảm – Suy nghĩ

Làm điều đúng vào thời điểm đúng

Tự do trong dạy và học

Giữ gìn bản sắc, văn hoá dân tộc

Đồng hành cùng phụ huynh

DMCA.com Protection Status