Trang Motherly cung cấp cách nói thay thế “không” giúp bố mẹ và trẻ kết nối với nhau tốt hơn, đồng thời điều chỉnh hành vi của trẻ hiệu quả hơn.
1. Nhắc đến cảm xúc hoặc nỗ lực của con
Khi nói “không”, bạn đã bỏ qua việc giúp con biết rằng bạn hiểu suy nghĩ và hành vi của con. Do đó, thay vì hét lên một từ cụt ngủn, bạn nên nhắn nhủ: “Mẹ hiểu. Mẹ biết những gì con đang cố gắng làm” trước khi giải thích về giới hạn của một việc gì đó.
Hãy ngừng nói: “Không, đừng đánh mẹ như thế!” và hãy thử câu: “Con rất tức tối nên đã đánh mẹ (vừa nói vừa chặn tay trẻ). Mẹ có thể thấy rõ sự thất vọng của con, nhưng đánh người khác là không tốt bởi vì con sẽ khiến người ta bị đau. Hãy thử diễn đạt cảm xúc của con bằng lời nói cho mẹ nghe xem”.
2. Sử dụng các từ có thông tin
“Không” là từ chỉ cho trẻ biết không nên làm gì, nhưng chưa có tác dụng định hướng cho trẻ hành động tốt hơn.
Ảnh: Motherly |
Thay vì nói “Không, đừng làm thế”, bạn hãy thử: “Khi ngồi ở bàn ăn, chúng ta phải ngồi đúng tư thế. Mọi đồ chơi và thiết bị điện tử đều phải cất đi. Mẹ sẽ mang điện thoại ra chỗ khác trong khi con đỗ chiếc xe lửa ở nơi nào đó an toàn nhé”.
3. Giải thích tại sao
Cũng như người lớn, trẻ rất quan tâm đến lý do. Vì vậy, thay vì nói “Không, đừng động vào nó”, bạn hãy giải thích: “Đó không phải đồ chơi nên chúng ta sẽ để nó nằm yên trên kệ. Nó rất dễ vỡ nếu chúng ta chạm vào hoặc lấy ra chơi”.
4. Giao tiếp cởi mở
Dù bạn bao nhiêu tuổi, khi nghe ai đó nghiêm khắc nói “không”, phản ứng của bạn sẽ là ngừng lại hoặc phản kháng mạnh mẽ. Cả hai phản ứng đều dễ dẫn đến sự oán giận thay vì một cuộc trò chuyện cởi mở để học hỏi và tiếp thu.
Thay vì mắng hoặc ngăn cản con như mọi khi, bạn hãy thử nói: “Con muốn có không gian riêng, mẹ có thể thấy điều đó. Nhưng con đã đẩy mạnh và khiến bạn ngã. Nhẽ ra con nên nói gì nào? Hãy lại xem bạn có bị đau lắm không”.
5. Thay đổi từ ngữ và nói cụ thể hơn
Trẻ có xu hướng phớt lờ khi nghe bố mẹ nói “không” nhiều lần. Câu nói đó đã trở thành tạp âm và không có nhiều ý nghĩa. Quen tai, chúng cũng sẽ bắt đầu nói “không” với bố mẹ, anh chị em và bạn bè.
Thay vì nói: “Không, đừng ăn vặt trước bữa tối”, bạn hãy thử nói: “Giờ chúng ta sẽ cùng ăn cà rốt, sau bữa tối mới ăn bánh quy nhé”.
6. Giữ giọng điệu bình thường và không phán xét
Nếu nghe bố mẹ nói “không” một cách gay gắt và hằn học, trẻ nhỏ sẽ dần nghĩ rằng mình luôn làm điều xấu, thậm chí mình là một đứa trẻ hư.
Do đó, phụ huynh hãy cho trẻ biết rằng bố mẹ tin con có ý tốt và chỉ đang cố gắng khám phá thế giới.
Trừ khi trẻ gặp mối nguy cấp bách (đang tập đi và sắp chạm vào bình nước sôi), bạn nên tập giữ bình tĩnh, quan sát và thể hiện sự thấu hiểu. Khi đó, trẻ không e ngại hay phòng thủ trước bố mẹ và sẽ dễ nghe lời hơn.
Chẳng hạn, thay vì nói “Không, đừng làm thế!”, bạn hãy thử nói: “Con thấy trò ném bóng rất vui đúng không? Mẹ biết mà. Nhưng chúng ta chỉ nên lăn bóng khi ở trong nhà thôi, nếu không sẽ làm vỡ đồ đấy”, hoặc “Con thích cặp kính của bố hả? Nó trông đẹp thật đấy nhưng không phải đồ chơi đâu con. Kính này để bố đọc sách đấy, và chỉ dành cho bố thôi”.
7. Sáng tạo cách nói “không”
Bộ não của trẻ được lập trình để thử nghiệm liên tục. Khám phá thế giới là nhiệm vụ không bao giờ kết thúc của chúng. Đó là lý do nhiều đứa trẻ tiếp tục lặp lại những việc bị cấm, trong khi đó bố mẹ ngày càng hét to hơn để khiến chúng từ bỏ.
Trong tình huống cấp bách, hãy làm tất cả những gì bạn có thể để giữ an toàn cho mọi người trước khi giải thích cho trẻ. Tuy nhiên, với những tình huống khác, bạn có thể thực hành cách dùng từ thú vị hơn để trẻ muốn vâng lời. Chẳng hạn, thay vì nói “Không!”, bạn hãy nói: “Đóng băng!”
Đừng lo lắng nếu đôi khi bạn vẫn nói “không”. Đó là phản xạ tự nhiên của nhiều phụ huynh, đặc biệt là khi bạn đã nghe bố mẹ nói như thế rất nhiều lần từ ngày còn nhỏ. Tuy nhiên, hãy luôn nhớ thông điệp “Bố mẹ hiểu con và luôn ở đây để hỗ trợ con”. Chỉ cần bạn cung cấp thêm thông tin cho trẻ, trẻ sẽ cởi mở hơn khi học các quy tắc trong gia đình và xã hội, có khả năng đưa ra lựa chọn tốt ngay cả lúc không có ai giám sát.