Thời kỳ “nhen nhóm”
Lúc này, thông thường trẻ đã bắt đầu có sự thích thú đặc biệt đối với những dụng cụ dành cho ăn uống (thời gian bạn có thể tham khảo là khi trẻ từ 6 đến 10 tháng tuổi). Lúc mẹ cho trẻ ăn dặm, trẻ sẽ luôn có biểu hiện tự cử động tay và thích “với lấy” hay sờ vào chén, muỗng ăn của mình.
Thậm chí khi mẹ đút ăn, trẻ còn thích giành lấy chén ăn trong tay mẹ và đây chính là cơ hội tốt để mẹ bắt đầu tập dần cho trẻ khả năng tự ăn uống. Tự lựa chọn thức ăn và có thể chủ động tự ăn uống cũng là một tiêu chí hình thành cá tính ở giai đoạn đầu của trẻ. Vì vậy, việc rèn luyện thích hợp cho trẻ có lợi không nhỏ để trẻ càng độc lập và có năng lực phối hợp hoạt động về sau.
Lời khuyên cho mẹ ở giai đoạn này là hãy chuẩn bị hai chiếc muỗng, một cái mẹ đút trẻ ăn và một cái dành cho trẻ cầm lấy, đồng thời mẹ sẽ hỗ trợ và hướng dẫn trẻ học theo cách mẹ cầm muỗng và xúc cơm ăn. Như vậy, trẻ vừa tập quen dần với việc tự ăn mà mẹ vẫn không làm trễ nải việc cho con ăn đúng giờ.
Tuy nhiên, ban đầu có thể trẻ sẽ không cầm muỗng xúc cơm trong chén mà chỉ cầm huơ huơ hoặc gõ gõ nhưng không hề gì, vì điều này cũng giúp trẻ tăng sự thích thú trong bữa ăn. Mẹ có thể dạy trẻ cách dùng ngón tay cái và ngón trỏ để bóc lấy đồ vật. Mẹ nên chuẩn bị vài món ăn mà trẻ có thể dùng tay bóc được, chẳng hạn như vài sợi mì hay vài lát rau để trẻ cảm giác được chuyện tự cầm ăn là như thế nào.
Thời kỳ “hoàng kim”
Sau khi trẻ được 1 tuổi (thường là đủ 12 tháng cho đến 18 tháng tuổi) chính là lúc chuẩn xác nhất để mẹ tập cho trẻ tự ăn một mình. Giai đoạn này, khả năng kiểm soát và phối hợp tay, mắt ở trẻ đã rất phát triển nên chỉ cần có phương pháp dẫn dắt thích hợp thì mẹ sẽ đỡ vất vả hơn nhiều.
Bố mẹ không nên quá lo lắng mà làm lỡ mất cơ hội tự lập của trẻ. Hãy mạnh dạn để trẻ tự trải nghiệm nhiều thứ, trong đó có việc tự ăn uống, chẳng hạn như cho trẻ dùng tay bốc, sau đó dần dần tập cho trẻ cầm muỗng ăn, cầm ly uống nước và thậm chí khi ăn xong, trẻ có thể còn biết chủ động “liếm” những thức ăn thừa dính trên muỗng.
Lời khuyên cho mẹ là lúc này trẻ rất thích dùng tay bốc ăn. Bố mẹ không nên vội vàng chỉnh sửa vì hành động dùng tay cầm nắm chính là để trẻ cảm nhận và nắm bắt đặc tính, hình trạng của thức ăn. Trải qua nhiều lần tiếp xúc “tận tay”, trẻ càng có hứng thú với thức ăn và lớn lên sẽ không bị chứng kén ăn.
Thời kỳ “củng cố”
Đây là lúc mẹ cần tạo cho trẻ thói quen tự ăn uống lành mạnh và khoa học (thường khi trẻ từ 2 đến 3 tuổi). Giai đoạn này, nguyện vọng muốn được tự mình làm mọi thứ ở trẻ rất mạnh mẽ. Chẳng hạn khi nhìn người lớn cầm đũa ăn cơm, trẻ cũng rất thích thú và không muốn “chịu thua”.
Chính vì vậy, khi trẻ đã cầm muỗng tương đối thành thạo thì chuyện cho trẻ thử dùng đũa cũng là việc bố mẹ nên quan tâm. Tuy nhiên, cách cầm đũa không hề dễ dàng như cầm chiếc muỗng, do đó đòi hỏi người lớn phải nhẫn nại và nhẹ nhàng hướng dẫn trẻ.
Đặc biệt, mọi người không nên la mắng, chê cười nếu trẻ cầm đũa sai hay làm rơi vãi cơm, thức ăn. Nếu không bạn rất dễ khiến trẻ cảm thấy tổn thương lòng tự trọng, mất đi hào hứng và tự tin cần thiết của mình.
Nguồn: Erbohui