Ở bài viết trước tôi đã viết rằng đừng khen ngợi con thông minh, hãy khen con nỗ lực. Đừng biến lời khen thông minh giỏi giang khiến con bị đóng chặt trong tư duy cố định, và dễ khiến con rơi vào bẫy “thất vọng về bản thân” khi mình thất bại.
Trong bài viết này tôi chia sẻ tiếp với mọi người những cách khen ngợi con vô cùng dễ áp dụng trong cuộc sống hàng ngày, để xây dựng động lực cố gắng từ bên trong cho con.
Việc khen ngợi diễn ra từ khi đứa trẻ mới chào đời, chứ không phải đợi trẻ lớn lên rồi mới áp dụng.
Và đó là hành trình bền bỉ để bố mẹ gieo vào lòng sự tôn của trẻ một niềm tin và tư duy phát triển “Tư duy hay tài năng đều có thể thay đổi được, nó tuỳ thuộc vào sự cố gắng và nỗ lực của mỗi người mà thôi. Và động lực để cố gắng không phải đến từ phần thưởng bên ngoài mà là từ khao khát cháy bỏng bên trong mình. Khi bạn vui, khi bạn yêu thích, chẳng cần bất cứ động lực nào bên ngoài tác động đến bạn cả”.
1. Khen hành động chứ không khen chung chung:
Người lớn chúng ta thường hay khen theo thói quen “Cháu giỏi thế. Thông minh thế. Mẹ khen Bon. Bon ngoan quá. Bon giỏi quá”. Nhưng việc khen chung chung đó sẽ không giúp trẻ hiểu được là vì sao mình được khen, vì sao mình ngoan, vì sao mình giỏi, và mình giỏi ở việc gì.
Trong cuốn “Cha mẹ Nhật dạy con tự lập” tác giả Sugahara có phân tích rằng có những trẻ đôi khi lấy việc khen ngợi đó làm phần thưởng, trẻ sẽ làm chỉ khi được khen như vậy hoặc để được nhận những lời khen đó. Nhưng rồi lâu dần khi trẻ nghe chán những lời khen kiểu đó rồi rồi (chán với phần thưởng) thì trẻ chẳng còn hứng thú để tiếp tục làm nữa. Vì thế hãy khen vào hành động của trẻ để giúp trẻ hiểu được việc làm của mình đã có tác dụng như nào.
2. Diễn đạt lại điều trẻ đã làm được:
Đôi khi không cần một câu khen ngợi mà chỉ cần bố mẹ diễn đạt điều mà trẻ đã làm cũng là một cách ghi nhận rồi. Không nhất thiết cứ lúc nào cũng phải khen để cảm thấy áp lực đâu, nhiều khi Bon đi học về và tự cát balo và dép gọn gàng mình chỉ nói “Ồ, hôm nay Bon đã tự xếp dép và balo mà không cần mẹ nhắc”. Hay khi ăn cơm “Bon đã ăn hết được một nửa bát cơm rồi này, cố lên nào”.
3. Thể hiện sự đồng cảm với niềm vui của trẻ:
Bố mẹ có nhớ lại hình ảnh khi đứa trẻ xếp được miếng ghép vào đúng ô, chúng ngước lên nhìn bố mẹ và cười thật sung sướng, còn bố mẹ thì vỗ tay cười theo để khích lệ và chung vui với niềm vui đó của trẻ. Hay khi con bạn sung sướng vì đã đá được bóng vào gôn, nó chạy đến chỗ bạn để chia vui, bạn chỉ cần nhảy lên reo hò, ôm thật chặt vào lòng để thể hiện niềm vui. Đó cũng là một cách khen ngợi mà chẳng cần một lời nói nào cả.
4. Cảm ơn trẻ, nói cho trẻ biết cảm xúc của mình:
“Hôm nay Bon giúp mẹ được rất nhiều việc. Mẹ vui lắm. Mẹ cảm ơn Bon”. Mẹ thật buồn khi cái balo nằm chỏng chơ ở đây, đôi dép thì lung tung, cái ô tô này chưa được trả về nhà của nó”…Có lẽ đó là những điều mà tôi thường xuyên nói với Bon nhất. Ở giai đoạn 3-5 tuổi con rất thích được giúp đỡ bố mẹ nên những lời cảm ơn như một liều thuốc tinh thần giúp con hào hứng hơn trong việc giúp đỡ bố mẹ công việc nào đó. Nói cảm ơn con, chính là bạn đang dạy con cách cảm ơn với người khác khi người đó làm cái gì cho mình.
5. Nói với trẻ về kết quả tích cực sau việc trẻ đã làm:
Sau khi dọn nhà xong con có thấy nhà sạch và gọn gàng hơn không nhỉ. Các bạn đồ chơi đều rất vui vì không bị đi lạc nữa. Trẻ con rất muốn biết những việc chúng làm đã đem lại những kết quả tích cực như thế nào. Nếu cha mẹ nói cho trẻ những kết quả tích cực đó, trẻ sẽ ngầm hiểu là những việc mình làm rất tốt, rất có ích, từ đó trẻ sẽ có thêm động lực để tiếp tục làm như thế.
6. Skinship và thái độ của cha mẹ khi khen ngợi:
Tôi nhận ra rằng mọi đứa trẻ đều yêu thích một việc, đó là tương tác bằng cảm xúc và skinship. Rất nhiều lần trong ngày chúng chỉ mong chờ được tôi đi qua xoa đầu chúng một cái, cười với chúng một cái, hay ôm chúng một cái. Tất cả những hành động đó đều giúp nuôi dưỡng cảm xúc tích cực rất tốt cho trẻ.
Vì thế trong việc khen ngợi và khích lệ trẻ nếu có thêm thái độ chân thành và ấm áp của người lớn, một nụ cười, một câu nói phấn khích vui mừng, một cái nhìn ấm áp trìu mến có khi còn hơn hàng vạn lời khen. Một cái đập tay zee, hifi nào, một cái ôm thật chặt, một cái xoa đầu..tất cả đều là sự khen ngợi và ghi nhận tích cực dành cho trẻ. Bố mẹ hãy cứ thử tích cực làm những điều này xem nhé.
Nguồn: Nguyễn Thị Thu – tác giả Kỷ luật mềm của trái tim