Nghe có vẻ rất quen thuộc đúng không các bố mẹ? Thực tế, trẻ hành động dựa trên những gì cơ thể mình đang cảm nhận thấy, chứ không phải phản ứng do cách nuôi dạy của cha mẹ.
Một vài tuần đầu sau khi sinh, bạn sẽ cảm nhận được những dấu hiệu thoáng qua về đứa con bé nhỏ mới chào đời. Những em bé có nhu cầu cao sẽ thường hay đạp trong bụng mẹ giống như lời tuyên bố với cả thế giới về sự xuất hiện của mình, rằng mình cần nhiều không gian hơn là ở trong cái bụng bé tý kia.
Theo một khía cạnh nào đó, hầu hết mọi đứa trẻ đều có nhu cầu cao với một số thứ nhất định, số khác có thể có nhu cầu cao về nhiều yếu tố hơn. Bố mẹ luôn là người lo lắng và quan tâm nhiều nhất đến nhu cầu của con. Một số cha mẹ còn đặt khá nhiều kỳ vọng, thậm chí là phi thực tế về những thứ họ cho là con thích, nhờ vậy những bố mẹ này cũng dễ thích nghi hơn với những em bé có nhu cầu cao.
Sau thời gian nghiên cứu và tìm hiểu, chúng tôi đã đưa ra một bản profile bao gồm những đặc điểm nổi bật của các em bé có nhu cầu cao. Mỗi bé sẽ biểu hiện một vài đặc điểm cho thấy nhu cầu cao trong một thời điểm nhất định. Lưu ý, các đặc điểm này không dùng để đánh giá đứa trẻ là ngoan hay hư, mà nó chỉ cho thấy sự khác biệt giữa các bé. Ngoài ra, mục đích của việc liệt kê các đặc điểm này là giúp cha mẹ dựa vào đó giúp trẻ phát huy lợi thế của bản thân.
1. Dễ xúc động
Trong khi những đứa trẻ khác luôn rất ngoan ngoãn khi ăn hoặc ngủ, thì một số trẻ lại thường xuyên gào khóc và chỉ muốn được ngủ ở nơi thật sự yên tĩnh. Tiếng khóc của trẻ lúc này thực chất chính là nhu cầu khẩn cấp trẻ đang cần được đáp ứng, trẻ khóc càng to, chứng tỏ trẻ đang càng cần được đáp ứng nhu cầu.
Dưới đây là một vài chia sẻ của một trong những bà mẹ có con dễ bị xúc động và hay gắt ngủ:
“Tôi đã cố tình đặt nôi của Mara ngay trong phòng mình nhằm nghe thấy tiếng con bé khóc bất kỳ khi nào. Nhưng, mọi chuyện bắt đầu dần mất kiểm soát khi con bé khóc quá to khiến tất cả mọi người trong nhà đều tỉnh giấc. Mara khóc giống như có gì đó rất kinh khủng đang xảy ra. Vợ chồng tôi đã dùng đủ mọi cách từ vỗ về, ôm ấp, cho ăn đến thay tã, nhưng mọi thứ hoàn toàn không có tác dụng. Sau một thời gian, tôi trở nên mất bình tĩnh với việc khóc lóc của con bé, vì tôi biết sẽ rất khó để có thể dỗ Mara quay trở lại trạng thái bình thường. Lâu dần, việc khóc của Mara trở thành cơn ác mộng với 2 chúng tôi, khiến chúng tôi luôn làm đủ mọi cách để xoa dịu con bé cho dù đó là gì đi chăng nữa.”
Theo thời gian, những em bé cáu kỉnh, dễ xúc động sẽ lớn lên thành những đứa trẻ cáu kỉnh, chúng mất kiểm soát, sẵn sàng lao vào làm mọi thứ theo ý mình, và điều này khiến cha mẹ cảm thấy kiệt quệ khi phải theo dõi và ở bên chúng.
2. Trẻ hiếu động
Trẻ hiếu động thường có cơ bắp khỏe hơn bình thường và sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào. Cơ bắp và tâm trí của những em bé này hiếm khi được thư giãn, thậm chí với cả những đứa bé sơ sinh. Nếu những em bé bình thường rất thích được ôm ấp vỗ về, thì những đứa trẻ hiếu động lại cảm thấy gò bó, khó chịu và không thích bị đụng chạm vào người.
Tuy nhiên, cha mẹ không nên gắn cho con cái mác “trẻ hiếu động” giống như một căn bệnh. Bởi sự hiếu động chỉ thể hiện phản ứng và mô tả về một đứa trẻ, chứ không phải là một loại bệnh tật cần chữa trị.
Một đứa trẻ bị gắn mác hiếu động luôn chịu sự quản giáo và giám sát nhiều hơn những đứa trẻ khác. Thậm chí cả với những người thành đạt sau này cũng vẫn bị gắn mác “hiếu động” với cái nhìn không mấy tích cực khi còn nhỏ.
3. Hay vòi vĩnh
Trẻ hay vòi vĩnh thường làm cha mẹ mệt mỏi và bất lực trước những đòi hỏi của mình. Thay vì phản ứng gay gắt hoặc tỏ ra bất lực với một đứa con hay vòi vĩnh, hãy cứ thư giãn và chấp nhận mọi chuyện một cách bình tĩnh. Sẽ có những ngày bạn cảm thấy mình dư thừa năng lượng đáp ứng mọi đòi hỏi của trẻ, nhưng cũng có những ngày bạn mệt mỏi và chỉ muốn từ bỏ. Hãy cứ đối mặt với những tình huống như vậy với thái độ bình thường, dẫn dần bạn sẽ cảm thấy quen và dễ dàng chấp nhận sự thật hơn.
4. Đòi ăn thường xuyên
Ăn uống không chỉ giúp cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể trẻ, mà nó còn là công cụ xoa dịu trẻ. Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy, những em bé được cho ăn thường xuyên có xu hướng ít khóc hơn những em bé được cho ăn theo lịch trình kiểm soát chặt chẽ của cha mẹ. Trong những nền văn hóa nơi trẻ em rất hiếm khi khóc, trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ ít nhất 20 lần/ngày. Các nhà nghiên cứu đã nhận định, việc cho trẻ ăn thường xuyên như thế này có tác động tới hệ sinh học của cơ thể trẻ. Nghe có vẻ quá nhiều, nhưng thực chất thời gian bú của những đứa trẻ này chỉ kéo dài khoảng 5 phút thay vì 30 – 45 phút như những đứa trẻ bình thường khác. Bên cạnh đó, ti mẹ còn là liệu pháp tâm lý tuyệt vời với trẻ.
Nếu bạn lo lắng con có thể đang ti sữa mẹ vượt mức cần thiết, thì hãy yên tâm vì lượng calo trong sữa mẹ luôn tự động điều chỉnh theo tần suất cho bú hàng ngày. Ngoài ra, những bà mẹ cho con bú thường xuyên cũng ít có nguy cơ bị thừa cân. Các nghiên cứu cũng cho thấy tế bào mỡ được tạo ra trong cơ thể những trẻ được bú sữa mẹ khá khác biệt với tế bào mỡ của những trẻ được nuôi bởi sữa công thức. Cụ thể là với những em bé được ăn sữa mẹ, lượng mỡ trong cơ thể bé sẽ nhanh chóng mất đi khi bé biết đi.
Vậy còn bạn, bạn cho con bú bao nhiêu lần/ngày?
Đối với những trẻ có nhu cầu ăn cao, việc phải ăn theo lịch trình sẽ khiến bé rất khó chịu. Bởi đối với những em bé này, được ăn cũng chính là cách xoa dịu cảm xúc của trẻ. Không chỉ có vậy, nghiên cứu còn chỉ ra rằng việc cho trẻ ngậm ti chính là một cách giúp trẻ trở nên ngoan ngoãn hơn.
Trẻ có nhu cầu cao cũng có thời gian bú mẹ lâu hơn bình thường, vì chẳng hà cớ gì chúng lại muốn từ bỏ muốn hình thức xoa dịu cảm xúc hiệu quả như vậy. Chính vì thế, sẽ không quá ngạc nhiên khi chúng ta thấy nhiều em bé duy trì bú mẹ trong vòng ít nhất là 2 năm.
Kinh nghiệm của Marthay với Hayden là một ví dụ hoàn hảo cho việc không nên bắt trẻ ăn theo lịch trình nhất định. Cụ thể, Marthay luôn nghĩ Hayden cũng giống như 3 người anh chị em trước đó của mình là quen ăn theo lịch trình có sẵn, vậy là cô lên cho Hayden một lịch ăn cố định trong ngày. Nếu như 3 đứa con trước đều được cho ăn khi khóc, thì Hayden lại khiến cô cảm thấy ngạc nhiên khi khóc chỉ 1 tiếng sau bữa ăn. Marthay đã dành ra 2 tuần theo dõi thói quen ăn uống của Hayden, kết quả cho thấy, Hayden chẳng cần đến bất cứ một lịch trình nào mà chỉ cần được ăn ngay theo nhu cầu là đủ.
5. Khắt khe, khó tính
Những đứa trẻ có nhu cầu cao không chỉ đòi hỏi được bế và ti mẹ theo yêu cầu, mà chúng còn tỏ ra vô cùng khắt khe trong việc này, khiến cha mẹ cảm thấy bị thao túng và điều khiển. Những người trưởng thành bị mắc kẹt trong việc nuôi dạy con cái bằng cách kiểm soát tư duy có thể gặp khó khăn rất lớn khi nhận ra rằng trẻ sơ sinh đòi hỏi sự giao tiếp bình đẳng, không kiểm soát.
Các bà mẹ có con khó tính thường cảm thấy mệt mỏi và bất lực khi không thể đáp ứng nhu cầu của con kịp thời. Những em bé khắt khe thường đưa ra các tín hiệu vô cùng cấp bách để thể hiện cảm xúc của mình, chúng không thích phải chờ đợi và cũng rất khó chấp nhận các lựa chọn thay thế, vì vậy trẻ sẽ có phản ứng gay gắt mỗi khi bị bố mẹ đáp ứng không đúng yêu cầu. Với những em bé có cá tính mạnh như vậy, bạn cần đủ nhạy cảm và kiên nhẫn huấn luyện trẻ từ từ theo thời gian.
Tuy nhiên, đối phó với những đứa trẻ có phản ứng mạnh mẽ để thể hiện nhu cầu của mình còn dễ hơn khi đối phó với những em bé nhu cầu cao nhưng lại không có phản ứng, hoặc phản ứng hời hợt để bộ lộ nhu cầu. Ví dụ: Trẻ đang rất muốn được ti mẹ, nhưng lại không khóc lóc dai dẳng để phát tín hiệu cho nhu cầu đó. Đây thực sự là một yếu điểm, bởi cha mẹ không thể biết, và cũng không được thực hành các kỹ năng thấu hiểu nhu cầu của con thông qua tín hiệu con phát đi.
Ngoài ra, đối với những người khiến cảm thấy có thể tin tưởng được, trẻ cũng sẽ có những tín hiệu dễ chấp nhận hơn là đối với những người, môi trường chăm sóc không quen thuộc. Nếu cha mẹ, cô giáo có thể phản ứng lại nhu cầu của những em bé này một cách khôn ngoan, khiến con mang tính cách bền bỉ, cương quyết nhưng không có thói quen kiểm soát người khác, con lớn lên có thể sẽ là một người thành đạt, quyết tâm và có tư chất trở thành nhà lãnh đạo tài ba.
6. Thường xuyên tỉnh giấc
“Tại sao những em bé có nhu cầu cao lại thường ít ngủ hơn những em bé khác?” Đây có lẽ là câu hỏi khiến rất nhiều bà mẹ thắc mắc. Nguyên nhân có thể là do tính cách hoặc tiếng ồn xung quanh. Với những em bé khó ngủ, tốt nhất không nên ép bé ngủ bằng được mà hãy cho bé ở trong một môi trường thuận lợi cho giấc ngủ, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân nếu bé thức dậy và khóc quá nhiều lần trong đêm.
7. Luôn tỏ ra không hài lòng với mọi thứ
Không thể khiến con hài lòng là một trong những thách thức khiến cha mẹ thấy vô cùng khó chịu và cảm giác mình chưa làm tròn thiên chức của những ông bố bà mẹ. Sẽ có những ngày bạn dùng đủ mọi kỹ thuật an ủi nhưng con vẫn không tỏ ra hợp tác. Đây là chuyện rất bình thường, nó không cho thấy bạn làm cha mẹ chưa đủ tốt, mà đó chỉ là một phần tính cách của trẻ. Hãy cứ tiếp tục áp dụng các kỹ thuật, mẹo an ủi trẻ cho đến khi tìm ra phương pháp hiệu quả. Những thử nghiệm mới cùng các thất bại sẽ giúp bạn xây dựng khả năng xoa dịu bé cưng của mình.
8. Khó dự đoán
Sẽ thật bực bội khi bạn nhận ra những phương pháp mình áp dụng với trẻ ngày hôm nay không đem đến hiệu quả với trẻ vào ngày sau đó. Những em bé nhu cầu cao là như vậy, luôn thay đổi và không thể lường trước, khiến bạn phải sử dụng rất nhiều phương pháp khác nhau, khiến bạn tự hỏi liệu mình có đang làm sai điều gì?
Cùng với tính cách khó đoán của mình, những đứa trẻ này còn cho thấy sự cực đoan và biến đổi liên tục trong tâm trạng. Khi vui vẻ, trẻ sẽ khiến mọi người vui vẻ, còn khi bực tức, trẻ sẽ khiến người xung quanh nóng nảy và phát điên.
Nuôi dạy một em bé khó đoán sẽ khiến bạn đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bạn có thể sẽ bị sốc khi em bé của mình mới đây thôi còn rất ngoan ngoãn mà lúc sau đã nhanh chóng nổi cơn thịnh nộ trong siêu thị, hoặc vừa khóc lóc ăn vạ đã trở nên ngoan ngoãn đáng yêu hết mức.
9. Siêu nhạy cảm
Những em siêu nhạy cảm thường tỏ ra vô cùng nhạy trước sự thay đổi của môi trường quanh mình. Những em bé này rất dễ bị kích động, dễ cảm thấy bị làm phiền và luôn luôn nhạy cảm với mọi tình huống. Nhìn chung, những em bé siêu nhạy thường thích được ở trong một môi trường an toàn và quen thuộc, các bé cũng sẽ nhanh chóng phản kháng khi trạng thái cân bằng trong chúng bị đảo lộn.
Trẻ nhạy cảm thường dễ tỉnh ngủ vào ban ngày, khó ngủ về đêm và dễ bị thức giấc bởi cả những tiếng ồn nhỏ nhất. Ngoài ra, trẻ siêu nhạy cảm cũng khó thích nghi khi phải làm quen với người chăm sóc mới, cũng như rất biết nhận thức và phân biệt hành vi của mình có tác động như thế nào đến cảm xúc của người xung quanh.
Mặc dù những em bé siêu nhạy cảm luôn khiến bạn khó chịu bởi phản ứng của mình (khóc lóc, rên rỉ), nhưng những phản ứng đó cũng khiến bạn có cơ sở nắm bắt để đáp ứng các nhu cầu của con một cách kịp thời hơn.
10. Không chịu rời xa bố mẹ
Trẻ nhu cầu cao thường luôn thèm được động chạm tiếp xúc da thịt. Trẻ muốn được áp vào cánh tay, ngực hoặc được bố mẹ ôm nằm trên giường, đu đưa rủ ngủ. Chính vì điều này, cha mẹ và người chăm sóc thường cảm thấy như đang trải qua ác mộng khi chỉ cần ngồi xuống hoặc dừng lại là trẻ khóc lóc ầm ĩ. Đối với những em bé như vậy, cánh tay của cha mẹ chính là chiếc giường, cũi của bé.
Điều quan trọng dành cho những bậc cha mẹ có em bé như thế này là bạn phải giữ được độ bình tĩnh và thư giãn của mình trong mọi trường hợp, tránh để bé bị kích thích quá mức để dần trở nên mẫn cảm.
11. Không biết cách tự vỗ về bản thân
Nhiều bậc phụ huynh luôn kỳ vọng con sẽ có thể tự trấn an bằng núm vú giả, hộp nhạc hoặc bằng những dụng cụ hỗ trợ khác. Tuy nhiên, các em bé có nhu cầu cao rất thông minh, chúng sẽ dễ dàng nhận ra những thứ mình sử dụng chỉ là giả và phản ứng lại với điều đó. Để trẻ khóc nhằm tự xoa dịu bản thân không phải là cách hiệu quả, mà trẻ cần có những phản ứng được định hình bởi cha mẹ. Một khi trẻ có thể học cách tự xoa dịu bản thân, trẻ sẽ không gặp khó khăn khi ngủ, hoặc khi mệt mỏi.
Không chỉ có vậy, được tiếp xúc trực tiếp với bố mẹ, người lớn cũng là cách giúp cải thiện mối quan hệ giữa trẻ và mọi người, thay vì chỉ được tiếp xúc với những đồ vật thay thế vô chi vô giác.
Hãy đến với ví dụ của em bé mang tên Amy. Amy đã được cho thử mọi thứ có tác dụng xoa dịu cảm xúc, nhưng Amy không thích bất cứ thứ gì trong số chúng ngoài vòng tay bố mẹ. Thậm chí, bố mẹ Amy còn dùng để cả võng đu để ru Amy, nhưng mọi thứ đều không đem đến tác dụng gì cho đến khi Amy gần 1 tuổi và tự thích nghi với những tiếp xúc vật lý khác như ngồi nôi, ngồi xích đu, nằm đệm thay vì chỉ đòi hỏi thường xuyên được ở bên cạnh bố mẹ.
Từ ví dụ trên có thể thấy, ép buộc trẻ làm điều chúng không thích đem đến nhiều mặt bất lợi hơn tích cực. Cho đến khi trẻ cảm thấy sẵn sàng chấp nhận với các thay đổi, tốt hơn hết bạn không nên ép trẻ làm bất cứ gì khiến trẻ thấy khó chịu.
12. Nhạy cảm khi không được ở cạnh bố mẹ
Những em bé nhu cầu cao rất khó chấp nhận những thay đổi và tiếp xúc với người lạ. Các bé ghét phải ở những nơi lạ lẫm, cùng với những người lạ và thường xuyên lo lắng hơn mức bình thường nếu bị ép buộc phải ở trong môi trường này.
Nếu như với cha mẹ, việc để con tách biệt khỏi mình như 2 cá thể độc lập là cách giúp con tự lập, thì dưới con mắt trẻ nhỏ, cha mẹ là một phần của chúng, là một thể thống nhất với chúng không thể tách rời. Chính vì thế, trẻ sẽ cảm thấy yên ổn an toàn khi được bên bố mẹ, ngược lại lo lắng khi phải rời xa bố mẹ. Đây đều là những phản ứng bình thường tạo cảm xúc an toàn cho một đứa trẻ.
Chúng tôi đã quan sát thấy các bà mẹ dành những tháng đầu tiên để: địu con nhiều giờ trong ngày, cho con bú, đưa con đi cùng họ bất cứ nơi nào và ngủ với con… thường tỏ ra lo lắng khi không có con bên cạnh. Vậy, nếu những lo lắng này xuất hiện ở người lớn, vậy có là bình thường khi lo lắng đó cũng xuất hiện ở trẻ sơ sinh không?
Không chỉ có vậy, những em bé nhu cầu cao luôn có sự chọn lọc khắt khe với người chăm sóc của mình, chúng cũng đủ thông minh để biết trong tình huống nào và với người như thế nào thì có thể đặt niềm tin đồng thời có những phản ứng rõ ràng khi những nhu cầu này không được đáp ứng. Những biểu hiện này cũng cho thấy trẻ luôn có những quan tâm sâu sắc đến các mối quan hệ của mình với mọi người. Đây cũng là dấu hiệu tích cực thể hiện sự thân mật, gắn kết của bé với các mối quan hệ xã hội khi bé trưởng thành.
Nguồn: Raised Happy
Nguồn tham khảo: Dr. Sears